✅Lợi ích của việc tạo tán, tỉa cành trên cây ăn quả
- Tạo tán tốt giúp các cành cây được phân bổ và định hướng tốt: tạo không gian đầy đủ cho lá cây tiếp xúc ánh sáng và không khí để tăng diện tích lá hữu hiệu và tăng cường quang hợp. Từ đó tối đa điều kiện sử dụng nước và chuyển đổi các chất dinh dưỡng cho cây phát triển thuận lợi và ngăn ngừa sâu bệnh hại
- Bộ khung vững chắc giúp cây hạn chế đổ ngã khi có gió mạnh, mưa bão. Cân bằng giữ phát triển của cây và ra hoa, kết quả, tăng cường sự chống chịu với các điều kiện thời tiết bất lợi. Kết quả là cây cho quả sớm, năng suất và chất lượng quả nâng cao, hạn chế được tình trạng cây ra quả thưa thớt hoặc ra quả cách năm.

Những lưu ý khi tỉa cành, tạo tán cho cây
Tùy theo từng loại cây và kinh nghiệm của nhà vườn sẽ có cách tỉa cành tạo tán hiệu quả.
- Dạng cây có tán mở ở trục trung tâm như; xoài, chôm chôm, nhãn và cây có múi. Việc thực hiện tạo tán nên làm ở trong giai đoạn phát triển. Trong năm đầu, khi cây cao khoảng 60-70 cm thì cắt ngọn thân chính. Từ thân chính sẽ mọc ra các cành khung (cành cấp 1), chọn ra 3-4 cành cách nhau 15-20cm theo các hướng khác nhau. Nếu các cành khung trên thân chính cách nhau quá gần thì sau này lớn lên sẽ hình thành những chẻ 3 không có lợi (dễ gãy giai đoạn mang quả).
Trong năm thứ 2, tiếp tục cắt ngọn các cành cấp 1. Từ cành cấp 1 sẽ tiếp tục các cành, chọn ra 3-4 cành cấp 2 phân bố đều. Việc cắt ngọn các cành cấp 2 tiếp tục được lặp lại trong năm thứ 3. Sau 3 năm, cây sẽ có từ 27- 36 cành. Tạo ra tán tròn và phân bố đều với các chồi cho trái tiếp xúc đầy đủ với ánh sáng.
- Cây có tán dạng trục trung tâm: đây là nhóm cây cho quả trên thân, cành. Đối với các loại cây này chỉ để 1 ngọn, khoảng cách trên thân chính của các cành nên để thưa (8-10cm). Khi cây lớn, khoảng cách không nên để dưới 30cm. Cành đầu tiên kể từ mặt đất phải cao hơn 70cm. Cần tuân thủ nguyên tắc cân đối giữa chiều cao cây với đường kính tán cây. Cần có sự cân đối giữa hệ thống rễ với bộ phận hệ thống thân lá.
Nếu chiều cao cây quá cao (lớn hơn đường kính tán), rễ không cung cấp dinh dưỡng sẽ đủ để nuôi ngọn cây, lúc này cần cắt đọt cây. Khi chiều cao cây cao hơn đường kính tán khoảng 1,5 – 2 mét, thì tiến hành cắt đọt để cố định chiều cao cây tương đương với đường kính tán cây. Việc cắt đọt để cố định chiều cao cây sớm (chiều cao cây thấp hơn đường kính tán) hoặc trễ quá (chiều cao cây lớn hơn đường kính tán) đều ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất của cây.
Với cây có tán dạng trục trung tâm. Cần giữ cho các cành cấp 1 mọc đều quanh thân, khoảng cách giữa các cành cấp 1 khoảng 20 cm. Tỉa bỏ những cành mọc quá gần nhau để tránh xảy ra tình trạng cạnh tranh ánh sáng. Được như thế, cây mới đủ sức mang trái, hạn chế thiệt hại bởi đổ ngã do mưa bão.
Ngoài biện pháp tạo tán như các thông trên, chúng ta cũng có thể thực hiện giải pháp kéo tàn (vít cành), giúp các cành phân bố đều hơn trong không gian.
