Ngoài ánh sáng mặt trời, nước, carbon dioxide và oxy, thực vật cần một số chất dinh dưỡng nhất định để tồn tại và phát triển.
Chất dinh dưỡng khoáng trong đất được hòa tan trong nước và sau đó được hấp thụ qua rễ cây vào mô và thành tế bào thực vật. Để điều này xảy ra, cả độ pH và nhiệt độ của đất phải nằm trong phạm vi cho phép của từng loại cây. Ví dụ, ngay cả khi sắt có nhiều trong đất, một số cây vẫn không thể hấp thụ được nếu độ pH quá cao. Nhiệt độ lạnh cũng có thể ức chế sự hấp thu các chất dinh dưỡng, cũng như đất úng nước và đất thiếu nước cũng có thể làm cho cây trồng bị ảnh hưởng.
Các chất dinh dưỡng thường bị thiếu ở thực vật là “phốt pho, nitơ và sắt”. Phốt pho có thể có trong đất, nhưng với số lượng quá nhỏ để được hấp thụ một cách hiệu quả. Nitơ có thể có, nhưng ở dạng cây trồng không thể sử dụng được. Trong đất kiềm, một số cây không thể hấp thụ sắt.
Vì vậy, thiếu dinh dưỡng trên cây trồng có thể do việc bón bổ sung dinh dưỡng không đủ hoặc bón đủ nhưng cây trồng không sử dụng được, hoặc bón mất cân đối.
CÁC YẾU TỐ DINH DƯỠNG CHÍNH ẢNH HƯỞNG ĐẾN CÂY TRỒNG
Đa lượng: Đạm (N), Lân (P), Kali ( K).
Trung lượng: Canxi (Ca), Magie (Mg), Lưu Huỳnh (S).
Vi lượng: Đồng (Cu), Kẽm (Zn), Bo (B), Mangan (Mn), Molypden (Mo), Sắt (Fe), Clo (Cl).
NHỮNG TRIỆU CHỨNG KHI CÂY TRỒNG THIẾU DINH DƯỠNG
Trên chồi ngọn: Ca & B
- Thiếu B: Lá non ở chồi ngọn mất màu và suy yếu bắt đầu từ phần đáy. Chồi ngọn chết
- Thiếu Ca: Cây có màu xanh đậm, chồi non mất màu xanh, cong và chết dần ở chót lá và mép lá, cuối cùng chồi ngọn chết.
Trên lá non: Cu, S, Fe, Mn
- Thiếu Cu: Mất màu xanh, không có đốm, gân chính của lá còn xanh.
- Thiếu S: Lá xanh nhật, gân lá nhợt nhạt, không có đốm chết.
- Thiếu Fe: Mất màu xanh giữa các gân lá. Lá thường xuyên héo rũ, dễ rụng.
- Thiếu Mn: Lá mất màu xanh, gân màu xanh đậm, tạo thành dạng các ô vuông.
Trên lá già: N, P, K, Mg, Zn, Mo
- Thiếu N: Cây lùn, có màu xanh lợt bất thường. Lá dựng đứng, màu xanh nhạt đến vàng, bị cháy trong trường hợp nặng
- Thiếu P: Cây lùn và có màu xanh đậm bất thường. Lá dựng đứng và thường bị hẹp. Lá có màu nâu hơi xanh đến đen ( trường hợp nặng). Mặt dưới lá có màu sạm đồng.
- Thiếu K: Lá mất màu xanh, có những đốm chết nhỏ chót lá và mép lá, lá có màu nâu rỉ sét, mép lá và chót lá cong, dợn sóng.
- Thiếu Mg: Lá mất màu xanh bắt đầu từ chót lá và mép lá, không có đóm chết. Gân lá vẫn xanh. Chót lá và mép lá hoặc phần dấy lá cong xuống. Có thể bị chết hoại (cấp tính). Lá dễ rụng.
- Thiếu Zn: Lá hẹp và nhỏ, phiến lá mất màu xanh, gân lá vẫn xanh, các đốm chết khắp trên lá, kể cả gân lá, chóp lá và mép lá.
- Thiếu Mo: Lá xanh nhạt, vàng kim đến màu cam, có những đốm chết khắp bề mặt lá (trừ gân), mặt dưới lá triết ra chất nhựa.