Dưa Hoàng kim (hay dưa lê Hoàng kim, dưa Hoàng kim hậu) là một trong những dòng dưa thơm được yêu thích hiện nay. Bởi mùi vị ngọt thanh, thịt giòn, mọng nước và có mùi thơm đặc trưng của dưa lê. Giống dưa này phù hợp với khí hậu Việt Nam, thời gian sinh trưởng và cho thu hoạch ngắn.
1/ Tìm hiểu về dưa lê hoàng kim
1.1 Đặc điểm sinh trưởng
Thời gian sinh trưởng của dưa lê hoàng kim kéo dài khoảng 2 tháng, thuộc dạng thân thảo. Quả hình Oval, vỏ trơn bóng, khi chín vỏ có màu vàng kim đẹp mắt, ruột quả màu trắng, thịt quả giòn ngọt. Trọng lượng dao động 1,1 đến 1,5 kg.
1.2 Giá trị dinh dưỡng của dưa lê hoàng kim
Dưa lê hoàng kim có giá trị dinh dưỡng cao, giàu vitamin A, E và C. Có chứa chất Arginine tốt cho bệnh nhân suy tim và tiểu đường.
1.3 Lợi ích đối với sức khỏe của dưa lê hoàng kim
– Làm đẹp da: Dưa lê hoàng kim có chứa vitamin C, chống oxy hóa, giúp da khỏe, trẻ đẹp.
– Giảm cân: Với hàm lượng chất xơ cao, giúp no nhanh và lâu hơn, hạn chế cảm giác thèm ăn.
– Tốt cho tim mạch, huyết áp: Vitamin C kết hợp với Beta – Carotene giúp ngăn ngừa các bệnh mãn tính như: Tim mạch, huyết áp thấp,…
– Tăng cường trí nhớ: Dưa lê hoàng kim có chứa hoạt chất Flolate giúp trí não luôn minh mẫn.
2/ Chuẩn bị trồng dưa lê hoàng kim
2.1 Thời gian trồng
Có thể trồng quanh năm, nhưng thích hợp nhất trồng vụ Xuân Hè, nhiệt độ 20 – 26 độ là phù hợp.
2.2 Mật độ trồng
Đối với trồng trên giàn: Khoảng cách thích hợp cây cách cây 0,5cm, hàng cách hàng 1,5m, trồng hàng đôi. Mật độ/ha dao động 25.000 – 26000 cây/ha. Lượng hạt giống cần 1 – 1,2 kg/ha.
Để cây bò trên mặt đất: Lượng hạt giống khoảng 500 g/ha, khoảng cách cây cách cây 0,5cm, hàng cách hàng 4m, trồng hàng đôi. Mật độ/ha khoảng 9.000 – 10.000 cây/ha.
2.3 Đất trồng
Dưa lê hoàng kim thích hợp trồng đất cát pha, đất phù sa, xốp, thoát nước tốt, dinh dưỡng cao.
2.4 Vị trí hoặc chậu trồng
Dưa lê hoàng kim là loài cây ưa sáng nên tận dụng những khoảng không gian rộng rãi, ánh sáng tốt. Nếu đặt chậu ở những nơi thiếu ánh sáng, không gian gò bó thì dưa lê sẽ cho quả nhỏ, không đạt chất lượng.
Dưa lê hoàng kim có bộ rễ phát triển mạnh, nên chọn chậu to đủ khoảng trống cho rễ phát triển, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cây. Có thể sử dụng thùng xốp hoặc chậu nhựa lớn để trồng.
Phải có lỗ thoát nước bên dưới đáy thùng hoặc chậu nhựa, không gây ngập úng chết cây.
3/ Kỹ thuật trồng dưa lê hoàng kim
3.1 Ươm cây con
Nên ươm hạt trong bầu, phối trộn đất ươm như sau: Đất sạch, phân chuồng, tro trấu hoai mục theo tỷ lệ 6:3:1
Ngâm hạt giống trong nước ấm (2 nóng 3 lạnh) từ 2 – 4 giờ, ủ trong khăn sạch để chỗ tối qua đêm, đến khi hạt nứt vỏ thì đem gieo vào bầu.
Cây được 2 lá thật sau 8 – 10 ngày gieo, lúc này có thể đem trồng.
3.2 Trồng dưa lê hoàng kim
Chọc lỗ nhỏ giữa chậu, đặt cây giống vào chậu. Lưu ý, lúc tháo bầu ươm phải nhẹ nhàng, không làm động rễ. Sau đó ém nhẹ phần gốc, tưới nước đẫm cho cây.
Đặt chậu cây nơi râm mát, đến khi cây cứng cáp mang đặt chỗ có ánh sáng thích hợp.
4/ Cách chăm sóc sau khi trồng dưa lê hoàng kim
4.1 Tưới nước
Tùy vào từng giai đoạn sinh trưởng và thời tiết, sẽ có số lần tưới và lượng nước khác nhau. Chỉ tưới cây vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
4.2 Bấm ngọn, tỉa cành, chọn trái
Có 2 cách xử lý:
– Để một dây chính: Cách này không cần phải ngắt ngọn, định hướng dây bò sao cho vuông góc với mặt chậu. Cắt bỏ hết dây chèo từ lá thứ 10 trở về góc trước khi để trái, mỗi chèo để 1 trái, nên để trái từ lá thứ 10 đến 15. Trên chèo chọn trái, để 2 lá rồi bấm ngọn.
– Để 2 dây chèo: Cây đạt 4 – 5 lá thì bấm ngọn, sau 7 – 10 ngày cây mọc nhiều nhánh mới, chỉ để lại 2 nhánh, định hướng cho nhánh bò vuông góc với mặt chậu. Cắt bỏ hết chèo từ lá thứ 7 trở vào gốc, mỗi nhánh để 1 trái. Vị trí tốt nhất để trái từ lá thứ 7 đến lá thứ 10. Trên chèo chọn trái, để 2 lá rồi bấm ngọn.
4.3 Bón phân
Tùy vào giai đoạn sinh trưởng của cây mà có liều lượng và loại phân bón khác nhau.
– Cây đạt 3 – 4 lá, tiến hành cấp đạm để cây phát triển lá và kéo dài thân. Hòa ½ chén phân đạm hòa vào nước tưới cho cây.
– Cây cao lớn và có nhiều nụ: Bón phân theo tỷ lệ dinh dưỡng đạm:lân:kali (3:1:2). Khi bắt đầu hình thành quả non: Tăng lượng phân lân, bón phân NPK theo tỷ lệ 1:4:1.
– Cây đang nuôi quả: Nhu cầu của cây đối với kali nhiều hơn các loại dinh dưỡng khác, sử dụng các loại phân có hàm lượng kali cao.
4.4 Phòng trừ sâu bệnh
– Bọ trĩ: Chích hút nhựa làm xoắn đọt, cây không phát triển. Sử dụng các loại thuốc đặc trị bọ trĩ như: Confidor 100SL, Admire 50EC,… nếu bọ trĩ gây hại với tần suất cao. Khuyến khích bắt bằng tay hoặc sử dụng bẫy màu.
– Rầy mềm: Gây chùn ngọn như bọ trĩ, lá bị vàng. Dùng tinh dầu neem để trừ rệp, rửa lại lá với xà phòng để loại bỏ các dịch nhầy tránh hình thành ổ bệnh.
4.5 Cách thụ phấn bổ sung cho dưa lê hoàng kim
Nếu nơi bạn trồng không có nhiều côn trùng, bạn nên tiến hành thụ phấn bổ sung để tăng khả năng đậu trái.
Cây được 30 ngày tuổi bắt đầu ra hoa nhiều, tiến hành thụ phấn càng sớm càng tốt. Thời gian thụ phấn thích hợp là buổi sáng, thụ phấn bằng tay hoặc nuôi thêm ong thụ phấn.
Dùng tay cắt hoa đực, vặt hết cánh hoa xung quanh, chấm nhị của hoa đực vào núm nhụy của hoa cái sao cho phấn vàng của hoa đực dính vào nhụy hoa cái là đạt yêu cầu.
5/ Thu hoạch
Vỏ quả bắt đầu chuyển sang màu vàng đặc trưng của giống sau 35 ngày đậu quả, lúc này thích hợp để thu hoạch.