Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chanh dây

20/12/2023 Lượt xem: 2906

1.GIỚI THIỆU CHUNG

Cây chanh dây (lạc tiên) một số địa phương còn gọi là cây mát mát.

Là loại cây ăn quả có nguồn gốc từ Brazil và được trồng ở các nước có khí hậu ẩm như: Srilanca và một số nước ở Châu Mỹ. Qua khảo nghiệm, hiện nay cây Chanh dây thích hợp với các nước có khí hậu nhiệt đới.

- Ở nước ta cây Chanh dây được du nhập vào từ thời kỳ Pháp thuộc nhưng chưa chú trọng đến làm kinh tế do đó người dân chỉ trồng rải rác một vài cây chủ yếu để làm giàn che mát và để giải khát là chính.

- Khi nhà nước ta thực hiện kinh tế thị trường thì cây Chanh dây rất được quan tâm vì có hiệu quả kinh tế lớn, thị trường tiêu thụ rộng.

- Qua thực tế, việc nhập khẩu chanh dây từ Đài loan trồng thử chanh dây tại tỉnh Lâm Đồng cho thấy: Đây là cây trồng dễ đầu tư, chăm sóc và chịu thâm canh, sinh trưởng phát triển tốt trên các loại đất trên địa bàn (nhất là đất đỏ bazan).

- Về điều kiện khí hậu thời tiết, nhìn chung tiểu vùng khí hậu nông nghiệp I của tỉnh (Đặc trưng mưa nhiều, thời gian khô hạn ngắn, thời tiết mát mẻ, nhiệt độ trung bình 220C) thuận lợi nhất cho cây sinh trưởng và phát triển, tiếp theo là vùng tiểu khí hậu nông nghiệp, cây sinh trưởng khá và cuối cùng các huyện thuộc tiểu khí hậu nông nghiệp vùng III (Cư Jut) cây sinh trưởng và cho năng suất trung bình.

- Chanh dây sinh trưởng nhanh, thời gian thu hoạch sớm (5-6 tháng sau trồng đã cho thu bói), năng suất cao, phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường và đáp ứng tốt nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh.

- Sản phẩm chính của cây Chanh dây là làm nước ép quả làm giải khát nguyên chất hoặc ép với các loại nước quả khác.

- Nước chanh dây có vị ngọtchứa 18% hàm lượng đường, 12% hàm lượng protein, 3% axit và nhiều chất vitamin A,B,C. Hiện tại nước chanh dây được chế biến cô đặc và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

2. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC

- Thân cây chanh dây là thân leo (thân thảo) có màu xanh đậm ở phần thân sinh trưởng.

          - Mỗi mắt có một tua cuốn mọc ở nách lá.

          - Lá có 03 thùy với rãnh sâu, cây non lá ít chia thùy và có hình trái xoan.

          - Hoa nở ở kẽ lá, hoa đơn có mùi thơm.

- Tính chất sinh lý: hoa lưỡng tính có màu trắng từ bên ngoài tím dần vào trong hoặc đỏ sẫm với kích thước khoảng 5 cm.

- Quả hình tròn bầu dục, không có lông gai, vỏ tròn bóng loáng và cứng, khi quả chín có màu tím, đường kính từ 5 -7 cm, trọng lượng quả 80 -110 gam, có khoảng 100- 180 hạt/quả.

- Dịch nước quả thường đạt 40% so với trọng lượng quả.

- Năng suất bình quân 60-100tấn/ha nếu thâm canh tốt có thể đạt trên120 tấn/ha.

- Tuổi thọ của cây kéo dài nhưng hiệu quả kinh tế cao vào khoảng 24 tháng.

- Yêu cầu đất trồng Chanh dây đòi hỏi không quá cao. Nhưng trồng ở những vùng đất có chất đất tốt thì năng suất cao hơn. Cây Chanh dây không chịu được những vùng ngập úng.

- Yêu cầu ngoại cảnh: Đòi hỏi ánh sáng cao, lượng nước không cần nhiều nhưng đảm bảo độ ẩm cao, nhất là vào mùa khô.


- Chanh dây ra hoa quanh năm và cho thu hoạch quanh năm.

3. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC

3.1. Thời vụ, mật độ trồng.

- Có thể trồng quanh năm

- Tại Lâm đồng tốt nhất nên trồng vào đầu mùa mưa khoảng tháng 04 -05 (dương lịch), nếu trồng vào mùa khô thì cần phải đảm bảo tưới đủ nước, vật liệu che chắn ở giai đoạn mới trồng để cây sinh trưởng phát triển tốt.

- Mật độ trồng tùy theo chân đất tốt, xấu: áp dụng mật độ 4.5m x 4m (550 cây/ha)

3.2. Chọn đất.

- Do điều kiện đòi hỏi cần phải có giàn leo nên phải chọn địa hình có mặt bằng đảm bảo, có độ dốc vừa phải từ 0 - 7 độ, có thể lên đến 10 độ. Nếu đất khó tiêu thoát nước trong mùa mưa cần tạo các rãnh thoát nước để việc tiêu thoát được tốt.

- Tính chất đất: Chanh dây không đòi hỏi cao về chất đất có thể trồng được trên đất cát, đất cát pha, đất thịt, đất có sỏi đá. Nên chọn đất có nhiều chất dinh dưỡng và thoát nước tốt, đất có độ PH từ 5,5 – 7,5.

3.3. Phóng tiêu, thiết kế lô:

- Căn cứ vào địa hình thực tế của từng khu vực để thiết kế ô, lô hợp lý theo đường đồng mức tránh xói mòn.

- Thiết kế tùy theo địa hình cụ thể từ 3- 10 ha.

- Mật độ : 4,5m ×4m.

- Khi cắm tiêu chú ý cắm cả tiêu trụ và tiêu hố với 2 màu khác nhau. Trụ cách trụ 4m( Đầu hàng và cuối hàng là tiêu trụ).

- Khi phóng tiêu chú ý chia thành ô nhỏ 50m ×50 m để cắm tiêu chính xác, không bị lệch.

3.4. Vườn ươm:

a.Đất làm vườn ươm:

-Yêu cầu vườn ươm làm trên nền đất bằng phẳng, khô ráo dễ thoát nước và gần nguồn nước tưới.

- Làm giàn che bằng lưới 50% và bọc xung quanh, cột dây sao cho có thể tháo gỡ dễ dàng khi cần thiết.

b. Đất đóng bầu:

- Dùng lưới để sàn đất loại bỏ sạn, lá khô, rễ cành nhỏ, đất phải có độ kết dính phù hợp để không bị bể bầu khi ra giống.

- Hỗn hợp bầu đất: đất và phân bò đã hoai mục trộn đều theo tỉ lệ 2 đất 1 phân.

- Thiết kế luống: Rộng 50 cm đặt 4 bầu, luống cách luống 60cm.

- Cho rải 500g vôi trên nền đất vườn ươm (phòng nấm) và thuốc xử lý côn trùng.

c. Đóng bầu:

- Lấy đất đã xử lý cho vào bầu, lượng đất bằng ½ bầu nén thật chặt, tưới nước cho đất trong bầu ẩm.

- Khi giống về tách bỏ bầu con, cho vào bầu đất mới, thêm đất nén chặt. Chú ý không làm vỡ bầu.

- Cây giống phải được tưới 1 lần/ ngày lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

- Dùng tre chẻ nhỏ dài 70 cm, cắm cố định cây con, cách gốc 3- 4cm. Chú ý không làm tổn thương rễ.

- Sau khi đưa cây giống vào bầu mới cách 5-7 ngày tiến hành rạch mắt ghép (rạch bằng lưỡi lam).

Yêu cầu:

- Không rạch phạm cây, tay và lưỡi lam giữ sạch sẽ (dùng vôi bột để làm sạch).

- Cây giống cao 18-20cm, tiến hành cho cột dây cố định, ngắt chồi và bẻ đọt.

- Sau khi cây giống phục hồi và bắt đầu phát triển, cho mở 50% lưới theo kiểu so le vào sáng sớm, cho cây quen dần với ánh sáng mạnh. Sau 1 ngày cho cây ra sáng toàn phần.

3.5. Làm giàn cho cây Chanh dây.

- Thiết kế để làm giàn cho cây Chanh dây (lạc tiên) có hai kiểu giàn:

a. Giàn xương cá (áp dụng cho diện tích phá bỏ cây cao su):

- Kiểu giàn này có diện tích lớn đỡ tốn cọc (trụ) hơn giàn chữ T, nhưng lại tốn cọc phụ, khả năng tiếp xúc ánh sáng kém, khó khăn cho việc chăm sóc.

b. Giàn chữ T:Diện tích mặt giàn nhỏ hơn, tốn cọc trụ hơn, nhưng có diện tích ánh sáng lớn dễ chăm sóc và cho sản lượng cao hơn.

Làm giàn     

* Vật liệu để làm giàn:

Do chu kỳ sinh trưởng của cây chanh dây kéo dài, trọng lượng thân quả trên giàn lớn nên vật liệu làm giàn phải chắc chắn, dùng trụ gỗ nhóm 1 có đường kính 10 cm trở lên.

- Dùng dây kẽm 2,6 ly để kéo dài tuổi thọ và giảm trọng lượng mặt giàn

- Cột trụ:

+ Dài 3,1 mét, có đường kính từ 9-10 cm.

+ Dùng máy cắt ngàm cắt tại vị trí cuối cùng(Phần ngọn trụ) 01 ngàm rộng 05 cm,sâu 03 cm.

+ Từ mép dưới đo lui về phần gốc 01 mét(vị trí mép dưới của ngàm thứ 2) cắt 01 ngàm có bề rộng 05 cm sâu 03 cm.

+ Dùng đinh 8 cm cố định các cây 3 cm x 5 cm x 2 mét vào các vị trí ngàm này.(Chú ý phải cân đối không bị vênh ,lệch).

+ Khoan lỗ sâu 50-60 cm chôn trụ còn lại trên mặt đất 2,5 mét, khoảng cách từtrụ này qua trụ khác 4m,khi chôn trụ phải nêm đất và dùng cây nêm chặt từng lớp đảm bảo trụ thật chắc,thẳng đứng.

- Cọc chống phụ: 12 trụ thì cần 02 trụ phụ cao 1,5 mét để chống trụ cho cứng.

- Dây kẽm 2,6ly để kéo nối các cột trụ chính.

+ Tầng trên kéo 04 dây kẽm,2 dây ngoài cùng cố định ở vị trí 5 cm cách mép cây gỗ ngang,2 dây thứ 2 mỗi bên cách dây ngoài 60 cm.

+ Tầng dưới kéo 03 dây kẽm,2 dây ngoài tương tự như 2 dây ở tầng trên,dây giữa nằm ở vị trí trụ chính. Khi kéo chú ý phải kéo dây ở vị trí trụ chính tầng dưới trước, dùng đòn bẩy kéo thật căng, dùng trụ thứ nhất và trụ thứ 12 làm trụ néo và cố định dây kẽm này.

-Hoàn thành hàng nào thì phải dọn dẹp vật liệu dư thừa sạch sẽ trước khi nghiệm thu.

- Kỹ thuật làm giàn có ảnh hưởng lớn đến việc ra hoa và đậu trái của cây chanh dây. Thực tế nhiều nơi do chưa có kinh nghiệm làm giàn hoặc chỉ kết hợp làm giàn che bóng mát nên chanh dây ra ít hoa hoặc không ra hoa do các cành quả đan chen nhau cạnh tranh về ánh sáng. Vì cây chanh dây chỉ ra hoa ở các mắt đầu cành thứ cấp nằm ngoài mặt tán.

- Muốn có nhiều cành thứ cấp cần làm giàn theo kiểu chữ T để các cành quả này rũ xuống hai bên giàn.

- Giàn phải đảm bảo chắc chắn, tránh bị đổ giàn khi thời tiết xấu và dây kẽm phải căng tránh tình trạng trái nặng bị thõng xuống quá nhiều.


giàn chữ T

 

3.6.Quy trình làm hàng rào quanh lô:

- Trụ rào cao 2,1 mét, dùng khoan tay chạy xăng khoan sâu 50 cm,chôn trụ còn lại trên bề mặt đất 1,6 mét.

Chú ý:Khi chôn cần dùng nêm để lèn chặt đất từ từ đảm bảo trụ đứng thẳng và chắc chắn. Hàng rào phải rào thẳng bằng cách dùng dây và tiêu để định vị hố chôn trụ rào. ( Tùy theo địa hình có thể chỉ cần thẳng từng đoạn theo dạng gấp khúc).

Kẽm được kéo 4 đường dây, dây kẽm cùng cách mép trụ 10 cm, dây kẽm thứ 2,3,4 thứ tự cách nhau 40 cm so với dây trên cùng.

- Kẽm gai phải kéo căng thẳng và cố định với trụ bằng đinh 7cm.

- Trụ thứ nhất và trụ thứ 30( 75 mét) dùng 1 trụ chống chéo ngược với hướng kéo dây kẽm gai để cố định trụ và dây kẽm chắc chắn( Sử dụng trụ 2,1 mét), dùng đinh 10cm để cố định trụ chống trụ rào.

trụ rào quanh lô

 

3.7. Chuẩn bị hố trồng:

a.Thành phần hố trồng:

- 15 kg Phân bón Hữu cơ Vi Sinh Khang Nông ORGANIC

- 2 kg vôi (nếu đo độ PH dưới 5)

- Đất mặt

b. Cách tạo hố:

- Tạo một vòng tròn lấy tiêu đã cắm làm tâm, đường kính 1- 1.2 m.

- Nhổ tiêu kéo thêm đất vào, trộn đều. Tạo hố cao 20cm so với mặt đất tự nhiên.

Lưu ý: Cho nhặt rễ cây, cỏ nếu có trong lúc trộn. Trộn thật đều, trộn xong cắm lại tiêu.

Đối với những vùng đất trũng có thể tạo hố với chiều cao 30 cm so với mặt đất xung quanh.

Hố phân chưa trộn Hố phân đã trộn
Hố phân chưa trộn Hố phân đã trộn

 

3.8. Kỹ thuật trồng:

a. Cách trồng

- Tưới nước trước khi trồng, thời gian tưới 1 giờ cho ẩm phần đất chuẩn bị trồng.

- Dùng cuốc mổ hố có chiều sâu 15cm.

- Dùng sọt vận chuyển bầu từ đường hoặc xe đến vị trí trồng.


- Dùng dao rạch 2 bên bầu giống xuống sát đáy bầu, dùng 2 tay kéo nhẹ phần bịch nilon để lấy được bầu cây đưa vào hố( Tránh tuyệt đối không làm bể bầu)

                    Rạch bầu giống và đặt bầu giống xuống hố

 

 


Đều chỉnh cây cân đối sao cho mặt bầu nổi lên so với mặt hố khoảng 0.5- 1cm, dùng tay ép chặt đât xung quanh bầu. Ép nhiều lần để chặt nhưng không ảnh hưởng phần đất trong bầu.

Vị trí bầu cách mặt hố phân

 

- Cắm ống nhỏ giọt để tưới cho cây, vị trí cách gốc 20-25cm. Phân bố 2 núm ống nước về 2 phía. Cắm ống nhỏ giọt cao hơn mặt đất 7- 10 cm. Đầu ống hướng xuống đất tránh nước chảy ngược ra ngoài.

b. Cắm le, buộc dây cố định cây:

- Le cắm có chiều dài 3m được vót nhọn đầu cắm.

- Le cắm cách gốc cây 5cm- 7cm. Cắm le theo hướng mắt ghép. Le cắm sâu hết tầng đất mềm, để cố định vị trí và tránh gió lung lay.

- Dùng dây nilong đen cột sát cây vào le theo kiểu thắt nút rút. Cách khoảng 10 cm cột tiếp 1 đoạn như vậy.Đọt lên 10cm thì cho cột cố định tiếp.

Buộc dây cố định cây vào le

 

3.9. Chăm sóc cây sau khi trồng:

- Sau khi trồng từ 7-10 ngày, tiến hành kiểm tra, đánh dấu vị trí, số lượng cây chết báo lên tổ quản lý sản xuất có kế hoạch trồng dặm.

Chú ý: Hố trồng dặm phải đảo đều, tạo hố như quy trình trồng mới.

- Trồng dặm kịp thời khi cây chết, thường xuyên xới sạch cỏ dại mục đích để phòng ngừa sâu bệnh. Tiện lợi cho việc thu hoạch dễ dàng, nhất là khi nhặt lượm quả chín,

- Giai đoạn đầu mới trồng có thể trồng xen các loại cây ngắn ngày thuộc loại cây họ đậu để tăng thêm thu nhập.

- Nhặt bỏ các dây lươn gần gốc ở giai đoạn mới trồng và khi lên giàn tiếp tục tiến hành nhặt bỏ để tạo độ thông thoáng cho vườn.

- Tuyệt đối không nên trồng các loại cây họ bầu bí, cà tránh lây lan mầm bệnh từ các loại cây trồng trên sang cây Chanh dây.

3.10.Tưới và tiêu nước:

- Chanh dây là cây trồng có bộ rễ ăn nông khả năng huy động nước và chịu úng của rễ kém, do đó trong quá trình chăm sóc cần tưới và tiêu nước hợp lý cho cây.

- Vào mùa mưa đối với những chân đất trũng cần phải lên luống, đào mương, sẽ rãnh để tiêu nước cho vườn cây.

- Vào mùa khô việc cung cấp đủ nước sẽ giúp cho cây sinh trưởng và phát triển mạnh, tăng khả năng đậu quả và quá trình phát triển quả tốt hơn, lượng nước tưới và số lần tưới tuỳ thuộc vào điều kiện tự nhiên của mỗi vùng, thông thường từ 3-5 ngày/1 lần tưới.

3.11. Kỹ thuật tạo tán và cắt tỉa cành, lá:

- Chanh dây là cây thân leo sinh trưởng khỏe, tỷ lệ phân cành nhiều và nhanh, nếu cắt tỉa thường xuyên, đúng kỹ thuật thì cây ra nhiều hoa.

- Mục đích là tạo bộ khung chính mang các cành quả phân bố đều tạo cho cây có đường kính tán lớn, khả năng tiếp nhận ánh sáng tốt, tập trung chất dinh dưỡng cho những cành quả phát triển đầy đủ cân đối, thông thoáng vườn cây hạn chế sâu bệnh và duy trì khả năng sinh trưởng, phát triển cho cây trong những năm tiếp theo.

 

- Tạo tán : Cây con trong quá trình phát triển leo lên giàn cần tỉa bỏ những cành cấp một, khi cây có độ cao cách mặt dàn từ 20- 40 cm mới để lại cành cấp một 5-6 cành, các cành được phân bố đều theo các hướng trên giàn.

+ Trên mỗi cành cấp một để 4-5 cành cấp hai. Các cành quả buông thõng xuống dàn và lưu ý cắt cành quả cách mặt đất 20-25 cm để tránh trường hợp vi sinh vật trên mặt đất bắn lên gây bệnh khi mưa.

+ Việc cắt tỉa được tiến hành thường xuyên.

+ Khi thu hoạch xong lứa quảcần cắt hết tất cả các cành cấp 2, cấp 3 đã cho quả vụ trước trên mặt giàn và các cành từ mặt đất tới giàn.

+ Sau đó bổ sung dinh dưỡng, chăm sóc tốt cây sẽ ra chồi mới, phân cành cấp 2, 3 và các cành quả. cây sẽ bắt đầu ra hoa cho một vụ quả mới.

+ Nếu chanh dây không được đốn tỉa hoàn toàn vào cuối năm, sang năm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng và phát triển, đặc biệt làm hạn chế đến năng suất.

- Tỉa cành, lá:

+ Mục đích tạo sự thông thoáng hạn chế tiêu hao dinh dưỡng và phát sinh nguồn bệnh khi cây phát triển rậm rạp.

+ Việc tỉa cành lá phải đảm bảo cho ánh sáng tự nhiên chiếu xuống mặt đất từ 40-50%. Tỉa bỏ các cành nhỏ không đủ khả năng cho quả.

+ Sau khi thu họach đợt quả cần tiến hành tiến hành tỉa cành tỉa lá cho vườn cây, công việc này được lặp đi lặp lại nhiều lần trong năm và định kỳ khoảng 20 ngày / lần.

+ Kiểm tra theo dõi cành lá mọc bất hợp lý giúp cây có điều kiện ra hoa kết quả nhiều.

- Cần cắt tỉa cành lá như sau:

+ Cành mọc quá dày, mọc lộn xộn chồng lên nhau.

+ Cành bị sâu bệnh nặng: bị sâu đục thân đục rỗng, bị bệnh làm chết khô.

+ Cành bị che lấp trở nên còi cọc không có khả năng ra hoa, quả.

+ Cành vượt: Loại mầm sinh trưởng không bình thường, vươn dài ra.

+ Cành thui chột, cành đã cho quả vụ trước.

+ Các lá vàng, lá già và lá bị bệnh.

+ Lá ở các quả đã lớn đã phình to.

          -Khi cắt bỏ cần cắt sát những chỗ phân cành để giảm sự phát triển cành khác. Vị trí cắt cách chỗ phân cành chính từ 10-15 cm. Dụng cụ cắt tỉa cành phải sắc để đảm bảo cắt mỗi lần một nhát tránh làm dập nát chổ vết cắt sẽ tạo môi trường thuận lợi cho sâu bệnh hại phát triển.

          - Lưu ý tránh tạo những mảng trống, làm sao để sự phân bố cành trên thật đều. chú ý quá trình cắt tỉa phải thu dọn lá, cành ra khỏi vườn, vệ sinh vườn sạch sẽ.

 

 

 

Chú ý:

- Đối với các giàn chanh dây đang tươi tốt mà không ra hoa thì cắt tỉa cho cây. Khi cành nhú ra được 10cm thì bổ sung phân bón lá chất vi lượng ca, mg,… chứa các chất kích thích sự phân hóa mầm hoa cho cây phun sương đều tán cây, định kỳ 15 ngày/lần cho đến khi cây nhú hoa.

- Chanh dây ra hoa liên tục trong khoảng 5-6 tháng (từ tháng 4-5 đến tháng 10-11, tuỳ từng vùng).

- Những đợt hoa đầu và cuối có tỉ lệ đậu trái thấp. Mỗi khi cây bắt đầu nhú hoa rộ, nên bổ sung phân bón lá chứa các chất trung, vi lượng phun sương đều trên tán cây. Nếu có điều kiện nên nuôi ong mật sẽ giúp tăng tỷ lệ thụ phấn cho cây. 

4. KỸ THUẬT BÓN PHÂN

- Chanh dây ra hoa ở các mắt đầu cành thứ cấp, nên ngoài chế độ chăm sóc thường xuyên như làm cỏ, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, cần bón thêm phân, nhất là đạm, kali cho cây sau mỗi đợt thu hái và tỉa cắt, nhằm tạo điều kiện cho cây nhanh chóng hồi phục và bù đắp dinh dưỡng đảm bảo cho một đợt ra cành và hoa mới

4.1. Bón lót:

Nếu đo độ PH của đất dưới 5 độ thì cần phải trộn 2 kg vôi bột với đất lớp phủ mặt và rắc xuống hố trước 1 tháng trước khi trồng để khử chua và tiêu diệt các nấm gây hại cho cây.

- Trước khi xuống bầu giống,  Mỗi hố bón 15 kg Phân bón Hữu cơ Vi sinh Khang Nông Organic, sau đó phủ một lớp đất mặt, trộn đều như quy trình tạo hố đã nêu trên.

4.2. Bón thúc:

- Chia làm nhiều lần trong năm để bón tuỳ theo từng thời kỳ của cây để cung cấp lượng phân bón phù hợp với sinh trưởng, phát triển góp phần mang lại hiệu quả cao.

- Cây con sau khi trồng 1 tháng:

+ Bón cho mỗi cây 0,1 kg NPK Khang Nông 16- 16 – 8 . những lần bón tiếp theo tăng dần lượng phân lên 10-20 kg/1000m2 với chu kỳ bón 15-20 ngày/lần.

Phân bón npk Khang Nông 16-16-8

+ Bón xen kẽ phân hóa học và phân vi sinh cho đến khi cây chuẩn bị ra hoa. Kết hợp với việc phun phân bón lá định kỳ 10 -15 ngày 1 lần.

+ Thời điểm cây chuẩn bị ra hoa: Cây trồng được 4-5 tháng tuổi bón 0,5-0,7kg NPK 15 – 15 – 15/ cây, kết hợp phân bón lá, bổ sung các nguyên tố đa lượng, siêu vi lượng và các a.a vào các đợt ra hoa giúp cây ra hoa tập trung, hoa nhiều và tỷ lệ đậu quả cao. (Phân bón lá PH, Amino…)

-Sau khi đậu quả:

+ Bón 0,5-1Kg NPK Khang Nông 10-5- 22 TE /cây tuỳ theo tình hình sinh trưởng phát triển của cây.

+ Định kỳ bón 20-25 ngày/lần.

  • Sau mỗi đợt thu hoạch trái:

Bón phân phục hồi sau đợt thu hoạch trái: Bón 3-5 kg Phân hữu cơ Vi sinh Khang Nông Organic/ cây. Sau 7 ngày bón 0.5 kg NPK Khang Nông 16-16- 8

Lưu ý: Hàng năm vào đầu mùa mưa cần bón 10 kg phân Hữu Cơ Vi sinh Khang Nông Organic cho cây nhằm bổ sung các chất khoáng cần thiết, tăng độ phì và tơi xốp cho đất, cải tạo môi trường đất giúp cho cây sinh trưởng và phát triển tốt hơn.

+ Tuỳ điều kiện thời tiết, độ ẩm đất mà tiến hành phương pháp bón khác nhau

- Bón xen kẽ giữa phân hóa học và phân vi sinh giúp cây cân đối dinh dưỡng. Nên kết hợp bón phân và tưới nước để cây sử dụng phân bón có hiệu quả.

- Tránh bón phân trực tiếp vào gốc kể cả ở thời kỳ cây con. Nếu trời mưa nhiều, độ ẩm đất cao dùng phương pháp bón rải, bón xong dùng đất phủ kín phân bón.

- Đối với phân Hữu cơ vi sinh KN Organic nên đào rãnh để bón, bón xong lấp đất lại. vị trí bón năm sau không trùng với vị trí bón năm trước.

Phân Bón Khang Nông NPK 20-0-10

5. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH

5.1. Phòng bệnh

5.1.1. Trong vườn ươm

- Phòng trừ bệnh thối cổ rễ: 50ml Validacin/ 18l nước, phun dưới gốc cây rồi tưới đẫm nước, cho thuốc thấm đều trong bầu đất. Tránh phun giữa trưa nắng.

- Phòng trừ nấm: 100g Altracol + 100g Ridomil + 18l nước. Phun trên lá vào buổi chiều mát. Sau 1 ngày thì tưới lại.

- Xử lý Tilt Super 3ml +1.6g Regent + 16l nước.

         

Phun thuốc phòng trừ nấm tại vườn ươm

 

5.1.2.Ngoài lô(trong 1 tháng sau khi xuất vườn)

  1. Sâu hại
  • Dế, châu chấu: sử dụng bắp rang làm mồi trộn với thuốc trừ sâu Regent.
  • Kiến: dùng mồi mặn (tép khô,...) trộn với thuốc trừ sâu Regent.
  • Sâu, rầy: dùng Penalty phun trên lá.

 

bBệnh hại-

- Bệnh thối cổ rễ, úng rễ: Sử dụng Validacin.

- Cây chậm phát triển, rễ, đọt không phát triển: sử dụng Humic + Siêu lân đỏ, xử lý 2 đợt cách nhau 3- 5 ngày, xử lý tiếp NPK (20 g/gốc, hòa nước tưới)

- Vàng lá do nấm, nhiễm khuẩn: sử dụng Altracol + Ridomil ( thêm Tilt super nếu cần)

5.2. BỆNH HẠI

Chanh dây là cây trồng có khả năng sinh trưởng phát triển mạnh nhưng do mặt đất bị hạn chế ánh sáng, độ ẩm cao về mùa mưa, trồng tập trung, diện tích lớn, do đó dễ ủ và phát sinh một số bệnh sau:

5.2.1.Bệnh vàng lá:

Bệnh thường xuất hiện ở thời kỳ cây con từ 1-3 tháng tuổi.

- Triệu chứng: Lá vàng từ lá già đến lá non, bệnh phát triển từ ngoài mép lá

- Tác hại: Làm rụng lá, rụng bông và trái, làm ảnh hưởng đến năng xuất.


- Chữa trị: Dùng Viben C + Regen, Cavil,  .... phun khi trên cây khi có hiện tượng nhiễm bệnh.

 

5.2.2. Bệnh lở cổ rễ

Bệnh thường xuất hiện vào giữa mùa mưa,chủ yếu trên cây chanh dây 0-2 tháng tuổi. Triệu chứng ban đầu là cây chậm sinh trưởng, một phần cổ rễ (Phần thân tiếp giáp với rể cọc, cách mặt đất khoảng 10-20 cm) bị khuyết dần vào trong cây bị long gốc.

Những cây bị bệnh nhẹ mặc dù lá còn xanh nhưng một phần cổ rễ đã thối đen. Bệnh phát triển và lây lan nhanh. Thường những cây vừa chớm vàng thì phần cổ rễ đã thâm đen hết.Những cây bị nặng lá vàng, tàn cổ rễ thối đen nhỏ lại so với thân, phần gỗ bên trong bị khô, cây vàng dần và chết.

Chữa trị: Khi phát hiện bệnh dùng Aliet, Ridomil … pha đúng nồng độ đổ vào gốc định kỳ 7-10 ngày /lần. Để phòng bệnh đổ thuốc bệnh vào đầu mùa mưa.

5.2.3.Bệnh xì gôm chảy mủ:

- Triệu chứng: Nấm phythopthora tấn công gây bệnh trên phần thân cách mặt đất khoảng 5 – 10 cm thân cây bị nứt xì gôm chảy mủ, võ bị khô, hóa gỗ và chuyển sang màu nâu. Chủ yếu bệnh thường xuất hiện ở giai  đoạn vườn kinh doanh (1-2 năm).

- Trị bệnh: Khi cây có biểu hiện như trên lấy dao cạo sạch phần vỏ cây bị khô, dùng thuốc Alieit, Ridomil pha đặc bôi trực tiếp lên thân cây. để phòng trừ nên bôi thuốc theo định kỳ một tháng một lần.

5.2.4. Bệnh thán thư: (Collectotricchum gloeosproides)

- Triệu chứng: Vết bệnh ban đầu là những nhóm màu vàng nhạt sau đó hoá nâu và đen dần. Bệnh xuất hiện trên lá, trái và lan rất nhanh, trên trái thường vết bệnh chiếm đến 1/3 trái và có thể lan nhanh qua lá và thân cây.

- Tác Hại: Bệnh phát triển nhanh, gây rụng trái hàng loạt làm giảm năng xuất và phẩm chất quả.

- Chữa trị: Cắt tỉa cành tạo tán có khả năng tiếp nhận ánh sáng tốt tạo sự thông thoáng vườn, cắt cành chạm mặt đất, thu gom cành quả bệnh tiêu hủy, làm mương tiêu thoát nước tránh gây ngập úng cục bộ.

- Dùng thuốc hóa học Score + Mancozep, CuzzateM8,  Benlat, Carbendazim, hay Boocdeaux 1% để phun. Phun định kỳ trong mùa

5.2.5.Bệnh hại rễ và thân gốc:

- Nguyên nhân: Bệnh thường do các loại nấm Fusarium Solani, Lasiodplodia Theobromae, Phytopthora sp kết hợp với tuyến trùng gây hại trên rễ và gốc cây, quá trình xâm nhập hại rễ và gốc diễn ra trong đất vì vậy tương đối khó theo dõi và phát hiện. Ở những nơi có nhiều tuyến trùng gây hại thì các loại nấm này gây hại và phát triển nhiều.

- Triệu chứng: nấm tấn công trên toàn bộ rễ và gốc tạo thành vết biến màu (thời kỳ cây con khả năng kháng chịu của thân và rễ còn yếu nên cây rất dễ nhiễm bệnh). Khi mới nhiễm bệnh phần lõi, thân, rễ dần bị thối mục, thân đen, lá ngã vàng nhanh chóng và rụng lá. Khi nhiễm bệnh nặng cây có thể chết trong vòng 1-2 tháng.

- Phòng trừ: Dùng thuốc Ridomil 1/1000, Benlat 1/1000, hay Validacin để tưới lên gốc khoảng 2- 3lít/gốc, kết hợp với thuốc diệt tuyến trùng như Furadan 3H , xử lý Mocap 10G, Mocap 72 EC , mỗi tháng xử lý một lần trong suốt thời kỳ bệnh cho đến khi bệnh có chiều hướng ngưng phát triển. Những gốc bị nặng phải đào gốc đem đốt.

Biện pháp phòng là chính vì vậy khi cây có biểu hiện trên lá thì thường đã quá muộn để phòng trừ hiệu quả. Phát hiện sớm phải thường xuyên theo dõi tình trạng của vườn cây kết hợp khảo sát bộ rễ khi có hiện tượng xấu.

5.2.6.Bệnh phình thân:

- Nguyên nhân: Do bón phân mất cân đối và sự xâm nhập của loại nấm Fusarium Solani, Phytopthora sp kết hợp tạo ra hiện tượng phình thân.

- Triệu chứng:, thân cây phình to, tạo ra lổ hổng trong thân, hạn chế  sự hút nước và dinh dưỡng của cây,cây phát triển kém,chịu hạn kém héo và chết.


- Phòng trừ: Dùng dao nhọn chẻ dọc thân cây chổ đoạn phình to, dùng thuốc Ridomil 1/1000, Benlat 1/1000, hay Validacin pha đặc để quét vào vị trí bệnh,sau đó dùng dây bó chặt vết thương, quét 2-3 lần theo định kỳ 10-15 ngày/lần đến lúc cây trở lại phát triển bình thường

 

 

 

5.2.7 Vi rút gây hại:

Tác nhân gây hại:

Virus PVW (Passion fruit woodiness virus)

 Virus CMV: Đây là loài virus gây hại trên nhiều loại cây trồng như chanh dây, dưa chuột, cà chua…).

Triệu chứng: Bệnh làm biến màu, biến dạng lá, hoa, quả. Trái thường có màu sắc nhợt nhạt,  lá có rất nhiều các vết lốm đốm nhỏ màu vàng loang lổ, các đốm này có thể xuất hiện rời rạc hoặc lẫn với các đốm bệnh khác. Lúc đầu các vết bệnh màu vàng nhạt về sau chuyển sang màu vàng sáng, mép lá có những nếp nhăn, méo mó. Biện pháp phòng trừ : Bệnh rất nguy hiểm, phòng là chủ yếu khi cây bệnh rất khó trị vì vậy phải dùng biện pháp phòng trừ tổng hợp như:

          - Dùng giống tốt, sạch bệnh.

- Vệ sinh đồng ruộng, nhổ bỏ và tiêu hủy cây bệnh.  Trong quá trình cắt tỉa những cành lá già bị sâu bệnh không được chạm vào cây khoẻ. Rửa tay kỹ bằng xà phòng hoặc Na2PO4 (3%).

- Luân canh cây trồng: Không trồng chanh dây trên đất đã trồng các cây họ cà: cà tím, ớt, khoai tây, thuốc lá và dưa chuột vì các loại cây trồng này đều là ký chủ của  các loại nấm  bệnh gây hại trên chanh dây.

- Sử dụng phân bón cân đối và hợp lý (tỷ lệ NPK 2:1:5), tránh bón quá nhiều đạm đặc biệt là trong điều kiện mùa mưa. Tăng cường bón thêm các loại phân trung, vi lượng có các chất như: Mg, Cu, Fe, Ca.

- Phun phòng bệnh bằng các loại thuốc gốc SunFua. VD: Suloc, kumulnul, Cythala 75wp…

 

Tags:

Bài viết khác

Quy trình bón phân cho cây thanh long

Kỹ thuật bón phân cho cây thanh long đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần tăng năng suất, chất lượng của trái thanh long.

Quy trình bón phân hữu cơ cho cây ăn lá

 Rau được trồng trên đất hay giá thể sạch không có mầm bệnh, nguồn nước tưới sạch và không sử dụng phân vô cơ, mà chỉ dùng phân hữu cơ cao cấp như phân hữu cơ vi khoáng, phân hữu cơ ủ vi sinh hoai mục…

Quy trình bón phân cho cây khoai môn

Cây khoai môn là cây dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, nhưng mang lại giá trị kinh tế cao. Việc mở rộng diện tích trồng cây khoai môn góp phân xóa đói giảm nghep cho một số bà con vùng khó khăn.

Quy trình bón phân cho cây chanh dây

Chanh dây hay chanh leo còn được gọi với tên mắc mát, mát mát, lạc tiên hoa tía (Tên khoa học là Passiflora edulis), là một loài dây leo sống lâu năm lớn nhanh với thân bò leo.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây nho

Hiện nay có rất nhiều loại nho khác nhau chúng ta có thể đưa ra trồng với những yêu cầu, những đặc điểm riêng cần được đảm bảo. Tùy thuộc vào nhu cầu thực tế chúng ta có thể chọn nho xanh, nho đỏ,…

Kỹ thuật trồng và chăm sóc ca cao

Ca cao có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau như đất đỏ bazan, đất ferralit vàng phát triển trên đá trầm tích, đất tro núi lửa, đất cát...

An toàn

Hiệu quả

Tăng Năng suất

messenger